Bài cúng Giỗ, Mùng 1, Rằm

Lời Dẫn

Cúng mùng 1, rằm hàng tháng là nghi thức cúng lễ quan trọng đối với đa số người dân Việt Nam. Bởi đây không chỉ là dịp con cháu thể hiện tâm hiếu kính với gia tiên tiền tổ, mà còn là dịp gia chủ bày tỏ mong cầu bình an, tài lộc đến với bản thân và gia đình. Tuy nhiên, cúng thế nào để lợi ích cho tổ tiên đã quá vãng, đồng thời gia đình cũng nhận được phước báu thì không phải ai cũng biết.

Để giúp cho các quý Phật tử thờ cúng được lợi ích và đúng Pháp, chùa Ba Vàng xin mời quý Phật tử cùng tham khảo Bài cúng mùng 1, rằm đầy đủ nhất dưới đây.

A. Hướng Dẫn

1. Sắm Lễ – Bày Lễ

Sắm Lễ: Hương, hoa, nước trà, quả, thực.
– Hương: Các loại hương đốt có hương thơm hoặc nếu không dùng hương đốt thì hướng tâm thành cúng lễ (hương tâm).
– Hoa: Các loài hoa có hương thơm (không kiêng về tên hoa và số lượng).
– Trà: Nước trà tỏa hương của sáu vị là đắng, cay, chua, chát, mặn, ngọt là sáu vị nuôi sống tất cả chúng sinh.
– Quả: Số lượng tùy ý không kiêng kị 2 quả hay 4 quả,… Nên cúng quả đã chín vì có hương từ vị để vong linh thọ hưởng, quả xanh chưa có hương thơm của vị (tránh tình trạng biến ban thờ thành chỗ cất đồ).
– Thực: Hiến cúng Phật bày lễ một bát cơm và một cốc nước. Hiến cúng chư Thiên, chư Thần bày lễ một bát cơm và một cốc nước chè. Hiến cúng gia tiên có cơm chay, nếu không có đồ chay thì làm một mâm cơm chay đơn giản bao gồm các đồ thức ăn từ rau củ quả, không có thịt của chúng sinh.
Cách Bày Lễ
– Trước bát hương thờ Phật: quả, một bát cơm, một cốc nước
(Nếu gia đình chưa có bàn thờ Phật thì không sắm lễ cúng Phật, nhưng vẫn đọc phần cúng Phật, khi đọc thì hướng tâm tới Phật, nguyện dâng tất cả lễ đã sắm để cúng Phật, rồi thừa lộc Phật, vẫn hiến cúng được cho chư Thiên, chư Thần và các vong linh).
– Trước bát hương thờ thần linh (chư Thiên, chư Thần, thổ công, thần đất..): quả, một bát cơm, một cốc nước
– Trước bát hương thờ gia tiên: quả, một mâm cơm hoặc một bát cơm, một cốc nước và một cốc sữa.

Lưu Ý: Các đàn cúng lễ không sát sinh, không đốt tiền vàng, mã, giấy sớ.

Vị Trí Cúng Lễ: Trong nhà, tại ban thờ.

2. Nội Dung Chương Trình

a. Đối tượng thực hành nghi lễ
– Chương trình dành cho đối tượng: Nhân dân và Phật tử chưa phát nguyện Bồ Đề tu lục hòa
– Giải thích: Nhân dân và Phật tử chưa phát nguyện Bồ Đề tu lục hòa: Nhân dân là những người chưa quy y Tam Bảo; Phật tử chưa phát nguyện Bồ Đề tu lục hòa là những người đã quy y Tam Bảo, nhưng chưa phát tâm Bồ Đề tu lục hòa.

b. Nội dung chương trình
Chương trình gồm có 2 nội dung:
B. I. Dành cho trường hợp cúng lễ, nhưng không có thời gian tụng kinh.
B. II. Dành cho trường hợp cúng lễ, có thời gian tụng kinh.

Thời gian cúng lễ: Tùy duyên

3. Tâm Khi Cúng Lễ

Dùng ba tâm kính Phật, trọng Thần, hiếu nghĩa với tổ tiên. Biết ơn Phật đã ban bố chỉ dạy Pháp diệt khổ cho chúng sinh. Biết ơn và tôn trọng các vị chư Thiên, Thiện thần đã ủng hộ cho mình làm các việc thiện. Biết ơn tổ tiên, cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục chúng ta, đã tạo duyên cho chúng ta có họ hàng anh em con cái. Khi cúng lễ với nguồn tâm này, thì gia đình sẽ được gia tăng phúc báu và cảm ứng được với thế giới tâm linh.

B. Nghi Thức Cúng Lễ

I. Cúng Lễ Không Tụng Kinh

1. Nguyện Hương

(Quỳ. Thực hiện 1 trong 2 văn nguyện hương dưới đây)

a. Dùng hương đốt, hương trầm,…

Nguyện đem lòng thành kính
Gửi theo đám mây hương
Phảng phất khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tính làm lành
Cùng pháp giới chúng sinh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm Bồ Đề kiên cố
Chí tu đạo vững bền
Xa biển khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát! (3 chuông)

b. Dùng tâm hương

Nguyện ý thành, tâm kính
Biến mãn khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tính làm lành
Cùng pháp giới chúng sinh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm Bồ Đề kiên cố
Chí tu đạo vững bền
Xa biển khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát! (3 chuông)

2. Lễ Tán Phật

(Quỳ hoặc đứng; pháp khí: khánh)

Đại từ đại bi thương chúng sinh,
Đại hỷ đại xả cứu hàm thức,
Tướng đẹp sáng ngời dùng trang nghiêm.
Chúng con chí tâm thành đảnh lễ. (1 chuông)

Chí tâm đảnh lễ: Tất cả chư Phật ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 chuông. 1 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Chính Pháp ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 chuông. 1 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Tăng bậc Hiền Thánh ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (3 chuông. 1 lễ)

3. Văn Khấn

(Quỳ gối, chắp tay bạch)

Nam mô thập phương pháp giới thường trụ Tam Bảo tác đại chứng minh! Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Con/chúng con kính bạch chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh và gia hộ cho con/chúng con.

Con/chúng con xin thỉnh chư Thiên, chư Thần Linh ủng hộ cho con/chúng con.

Đệ tử con tên là:… Pháp danh (nếu có):… Hiện đang ở tại:…

Hôm nay là ngày… tháng… năm… (hoặc ngày giỗ của vong linh (Ông hoặc Bà)…. mất ngày… tháng… năm…… an táng tại…)

Gia đình con/chúng con thành tâm sắm sửa vật thực, tịnh tài dâng lên cúng dường:

Thượng: Xin dâng lên cúng dường thập phương chư Phật chứng minh.

Trung: Xin dâng lên cúng dường chư Bồ Tát, chư Thánh Hiền Tăng chứng minh.

Hạ: Xin dâng cúng đến cho chư Thiên, chư Thần Linh tại nơi đây.

Sau: Xin hiến cúng cho tất cả các vong linh gia tiên tiền tổ nội ngoại đôi bên họ:… hợp duyên với gia đình con/chúng con, (nếu ngày giỗ của vong linh nào thì đọc tên:.. và mất ngày… tháng… năm… nơi an táng… của vong linh đó) các vong linh thai nhi của (tên mẹ)… cùng các vong linh có duyên tại nơi đất ở của gia đình và các vong linh oan gia trái chủ có duyên oán kết đang báo oán gia đình con/chúng con. Các chúng vong linh, ngạ quỷ, Dạ Xoa có oán kết trong mối tương quan nhân duyên nghiệp quả của gia đình mà báo oán gia đình. Nguyện cho các vong linh được nương sự bố thí trong đàn lễ cúng này của con/chúng con mà được thọ thực no đủ.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông. 1 vái)

4. Tụng Thần Chú Cúng Thực

(Ngồi, pháp khí: mõ)
Biến thực chân ngôn: Nam mô tát phạ đá tha nga đá phả rô chỉ để ám tam bạt ra tam bạt ra hồng. (7 lần. 1 chuông)
Biến thủy chân ngôn: Nam mô tô rô bà ra đát tha nga đá ra đát điệt tha án tô rô tô rô, bát ra tô rô, bát ra tô rô sa bà ha. (7 lần. 1 chuông)
Phổ cúng dường: Án nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhật ra hồng. (7 lần. 3 chuông)

Nguyện cho các vong linh
Được thọ thực no đủ
Nghe kinh giác ngộ Pháp
Sinh lòng kính tín Phật
Nương tựa nơi Tam Bảo
Tu hành cầu thoát khổ
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông. 1 vái)

5. Bạch Cúng Dường Tam Bảo

(Nếu gia đình không phát nguyện cúng dường Tam Bảo, thì bỏ qua phần này)

(Quỳ, chắp tay bạch)
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Nhân duyên ngày này, con/chúng con muốn cho gia đình được tăng trưởng phúc lành, tiêu trừ nghiệp chướng, nên con/chúng con thành tâm tu bồi cội phúc bằng cách cúng dường hộ trì Tam Bảo, để hưởng phúc lành từ nơi tu tập của chư Tăng tại chùa Ba Vàng, phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh với tâm nguyện cho chư Tăng được tứ sự như ý phù hợp với việc tu tập, xây dựng chùa chiền lấy chỗ cho nhân dân phật tử tu tập và hoằng Pháp để hồi hướng công đức cúng dường của con/chúng con đến các vị chư Thiên, chư Thần Linh và các vong linh.

– Con/chúng con phát nguyện cúng dường Tam Bảo với số tiền là … để hồi hướng phúc đến cho chư Thiên, chư Thần Linh tại nơi đất của gia đình.

– Con/chúng con phát nguyện cúng dường Tam Bảo… với số tiền là… để hồi hướng cho chư vong linh gia tiên tiền tổ nội ngoại đôi bên họ:… hợp duyên với gia đình con/chúng con và vong linh (nếu là ngày giỗ của ai thì đọc tên của người đó)…

– Con/chúng con phát nguyện cúng dường với số tiền là… để hồi hướng cho chư vong linh có duyên tại nơi đất ở của gia đình tại địa chỉ…

– Con/chúng con phát nguyện cúng dường Tam Bảo với số tiền là… để hồi hướng phúc đến cho chư vong linh oan gia trái chủ, hợp duyên, oán kết của cả gia đình và các chúng vong linh, ngạ quỷ, Dạ Xoa có oán kết trong mối tương quan nhân duyên nghiệp quả của gia đình mà báo oán gia đình.

(Nếu trong gia đình có người cần cầu sức khỏe hoặc công danh hoặc thi cử… thì đọc tiếp: Con/chúng con phát nguyện cúng dường Tam Bảo với số tiền là… để hồi hướng phúc đến cho (tên)… được…)

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông. 1 lễ)

6. Phục Nguyện

(Quỳ gối, chắp tay bạch)

Nam mô thập phương pháp giới thường trụ Tam Bảo tác đại chứng minh! Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!

Đệ tử con/chúng con xin hồi hướng, công đức tu tập trong đàn lễ, các công đức gia đình tạo lập trong đàn lễ và các công đức tạo lập được trong ngày hôm nay hồi hướng cho các chư vị chư Thiên, chư Thần Linh, nguyện được tăng trưởng phúc lành, tăng thêm oai lực, kết duyên pháp lữ tu hành với con/chúng con, hộ trì cho gia đình con/chúng con trong các công các việc. Hồi hướng cho các vong linh đã được thỉnh mời, nguyện mong được tăng phúc, giác ngộ Phật Pháp, nương tựa Tam Bảo tu hành mau thoát khổ và gia hộ cho gia đình con/chúng con mọi điều tốt lành.

Con/chúng con cũng lại xin, hồi hướng công đức trong đàn lễ, nguyện cho cả gia đình, được tiêu trừ ách nạn, gia tăng tuổi thọ, công việc hanh thông (đọc mong cầu)…, gia đình hạnh phúc, con cháu thảo hiền, cùng thân bằng quyến thuộc tinh tấn tu hành theo chính Pháp của Phật, cho tới ngày liễu thoát luân hồi sinh tử.

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông. 1 lễ)

7. Tam Tự Quy

(Quỳ hoặc đứng; pháp khí: khánh)

Tự quy y Phật, nguyện cho chúng sinh, hiểu thấu đạo lớn, phát tâm vô thượng. (1 chuông. 1 lễ)
Tự quy y Pháp, nguyện cho chúng sinh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như biển. (1 chuông. 1 lễ)
Tự quy y Tăng, nguyện cho chúng sinh, quản lý đại chúng, hết thảy không ngại. (3 chuông. 1 lễ)

8. Hồi Hướng

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sinh
Đều trọn thành Phật đạo.

Leave a Reply

Your email address will not be published.