Chùa Ba Vàng (hay còn gọi là Bảo Quang tự) do Đại Đức Thích Trúc Thái Minh làm trụ trì từ năm 2007. Ngôi chùa tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay, chùa Ba Vàng trở thành địa điểm du lịch tâm linh thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, ngôi chùa còn là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất tại miền Bắc với hàng nghìn tín đồ Phật tử tề tựu về sinh hoạt và tu tập.
Để cùng tìm hiểu về ngôi chùa Ba Vàng mang đậm sắc linh thiêng trong lòng Phật tử và nhân dân thập phương, kính mời quý vị đón đọc bài viết dưới đây.
Lịch sử hình thành và phát triển chùa Ba Vàng
#1 Nhân duyên tìm ra ngôi chùa Ba Vàng
Chùa Ba Vàng được khai sơn từ thời nhà Trần (thế kỷ XIII), trải qua nhiều năm tháng chiến tranh và thiên nhiên tàn phá nên ngôi chùa nhỏ bị rừng cây bao phủ và còn sót lại một số ít hiện vật. Sự kiện được coi là dấu mốc tìm ra ngôi chùa cổ bắt nguồn từ câu chuyện ông lão nông tìm đàn bò thất lạc vào năm 1987.
Chuyện xưa kể rằng: Sau nhiều ngày đi tìm đàn bò bị thất lạc, đêm hôm ấy, lão nông được báo mộng lên núi Ba Vàng tìm ắt sẽ thấy đàn bò. Ngay hôm sau, ông quyết tâm băng rừng đi tìm đàn bò nhưng chẳng may bị vấp ngã. Đúng lúc ấy, ông nhìn xuống đất thì phát hiện ra những viên gạch ngói và tấm bia trên lưng rùa đá. Nghĩ đây có thể là nơi đền chùa xưa nên ông liền hái mấy quả sim rừng đặt lên lưng rùa đá và khấn cầu Trời Phật giúp mình tìm được đàn bò. Khấn xong, khi đến ven suối gần đó, ông ngạc nhiên khi nhìn thấy đàn bò, không thiếu một con.

Sau sự vi diệu nhiệm màu ấy, ông lão đem chuyện kể với dân làng, người dân ai nấy đều hào hứng tụ tập về khu đất trên núi cao để tìm kiếm, thu thập những di vật còn sót lại của ngôi chùa cổ.
#2 Quá trình hình thành và phát triển chùa Ba Vàng
a. Quá trình hình thành
Nhắc đến sự hình thành của ngôi chùa Ba Vàng thì không có tài liệu lịch sử ghi chép lại một cách rõ ràng và chính xác. Nhưng dựa vào những họa tiết và hoa văn trên những viên gạch ngói mà người dân tìm được vào những năm 80 thì có thể khẳng định ngôi chùa tồn tại vào khoảng thế kỷ thứ XIII (thời nhà Trần), khi vua Trần Nhân Tông về Yên Tử và lập ra dòng Thiền Trúc Lâm.
b. Quá trình phát triển
Quá trình phát triển của ngôi chùa Ba Vàng gắn liền với sự thay đổi nơi đây qua bốn lần trùng tu. Mỗi lần trùng tu và phục dựng đều tương ứng với thời gian, mức độ và quy mô khác nhau.
Lần trùng tu đầu tiên và cũng là sự kiện đánh dấu sự khơi dậy và nối lại dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử sau 3 thế kỷ gián đoạn là vào năm 1706. Ngôi Bảo Quang Tự được Ngài Thiền Sư Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác chủ trì và vận động Phật tử và nhân dân thập phương phục dựng tại núi Ba Vàng ngay trên nền ngôi chùa cổ.
Tuy nhiên, từ đó trở đi, qua nhiều năm tháng chiến tranh và bị thiên nhiên tàn phá, ngôi chùa dần lui vào dĩ vãng. Thời gian thấm thoát trôi qua, nhiều người dân lên chùa Ba Vàng và phát hiện ra những phế tích còn lại của ngôi chùa xưa nên mong muốn được khôi phục lại. Vì vậy, năm 1988, thể theo nguyện vọng của nhân dân, Thị ủy, Hội Đồng Nhân Dân và Ủy ban Nhân Dân thị xã Uông Bí (nay là thành phố Uông Bí) đã trùng tu và xây dựng ngôi chùa bằng gỗ.
Đến năm 1993, xuất phát từ thực tế sự xuống cấp nặng nề của ngôi chùa mà Ban tôn tạo di tích của Thành phố Uông Bí đã tiến hành trùng tu ngôi chùa bằng gạch ngói, xi măng với tổng diện tích là 95 mét vuông bao gồm: ba gian thiền đường, cửa vòm, một gia tự điện, nhà ở, trai đường,…